HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH: Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí, quan liêu | |
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí, quan liêu PGS.TS. NGUYỄN THẾ THẮNG
Đối với cán bộ: “Tham ô là ăn cắp của công làm của tư. Đục khoét của nhân dân. Ăn bớt của bộ đội. Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình”1. Đối với nhân dân, tham ô là ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế. Tại sao tham ô? Người chỉ ra nguyên nhân: Cán bộ các cơ quan Đảng, Nhà nước, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù chức to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn hối lộ, có dịp “dĩ công vi tư” – Lấy của công làm của riêng, chống lại Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Là do trách nhiệm kém: Đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, không hoàn thành nhiệm vụ, là ăn cắp thời gian của Chính phủ, của nhân dân. Còn sự lãng phí ở ta thì muôn hình muôn vẻ. Lãng phí sức lao động – Việc ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người. Do tính toán không cẩn thận, điều động hàng trăm người đến công trường, nhưng chưa có việc làm, hay ít việc mà dùng nhiều người. Bố trí nhân sự không đúng. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, hành chính thì nhiều, mà người sản xuất trực tiếp lại ít. Lãng phí thời gian – Việc có thể làm trong 1 ngày, 1 buổi cũng kéo dài đến mấy ngày. Lãng phí tiền của của Đảng, Nhà nước, của nhân dân và bản thân mình. Ăn tiêu xa xỉ, liên hoan, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước, sử dụng vật liệu một cách phí phạm. Tác hại của lãng phí không khác gì tham ô. Nó làm cản trở sản xuất. Ngân hàng không khéo quản lý, sử dụng tiền bạc, để tiền ứ đọng, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất. Cơ quan làm kinh tế, làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn. “Làm một cái nhà không hợp thức, làm xong rồi phải phá đi làm lại”. Lãng phí, tiêu sài không hợp lý. Bộ đội không biết quý trọng, giữ gìn quân trang, quân dụng. Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma. Nguyên nhân của lãng phí là do con người ta mắc phải bệnh phô trương, hình thức, gây tốn kém không cần thiết. “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”2. Quan liêu là gì? Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Quan liêu là xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu, đường lối, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước. Bệnh quan liêu là một nguy cơ với Đảng cầm quyền. Nó phá hoại mục đích xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Bệnh quan liêu thể hiện trong các mối quan hệ với người, với công việc và với bản thân mình. – Đối với người: Cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích thuyết phục. Không sát công việc thực tế. Không theo dõi, giáo dục cán bộ, nhân viên, hoặc quần chúng. Không gần gũi quần chúng. – Đối với công việc: Chỉ trọng hình thức mà không xem xét mọi mặt, không đi sâu vào vấn đề chính. Lãnh đạo chỉ biết hội họp, viết công văn, chỉ thị, chỉ nghe báo cáo trên giấy, chứ không biết kiểm tra công việc đến nơi đến chốn. – Đối với mình: Chậm chạp làm cho qua chuyện; chỉ biết lo cho mình, không quan tâm đến nhân dân, đồng chí; nói một đường làm một nẻo; tham ô, thoái hóa. Trước mặt dân chúng thì lên mặt quan cách mạng. Miệng nói dân chủ, mà làm việc theo lối quan chủ. Miệng nói “Phụng sự quần chúng”, còn thực tế “Chỉ biết ăn sang mặc diện. Chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà muốn nhân dân phụng sự mình”. Làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái phương châm, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hồ Chí Minh chỉ rõ hậu quả bệnh quan liêu. Nó làm hỏng việc. Có mắt không thấu suốt. Có tai mà nghe không thấu. Có chế độ không nắm vững. Có kỷ luật không giữ vững. Dẫn tới những người xấu, những người kém tha hồ tham ô, lãng phí. Nguyên nhân của bệnh quan liêu là: Xa dân, khinh dân, sợ dân. Không tin cậy dân, không hiểu biết dân, không thương dân. “Tham ô, lãng phí, và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ“3. Nó là kẻ thù vô cùng nguy hiểm. Nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng việc của ta. Nó là bạn đồng minh của thực dân, phong kiến. Vì nó cản trở công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta. Tham ô, lãng phí, quan liêu là tội ác. Chiến sỹ hy sinh xương máu, đồng bào mất mồ hôi, nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi của bọn Việt gian, mật thám. Tham ô, lãng phí, quan liêu làm hại sự nghiệp xây dựng nước nhà. Hại đời sống nhân dân; làm hại đạo đức của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn ngăn chặn nạn tham ô, lãng phí thì trước hết phải chữa bệnh quan liêu. Bởi vì: Bệnh quan liêu ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí; nuôi dưỡng cho tham ô lãng phí nảy nở. Chống tham ô, lãng phí, quan liêu cần có biện pháp đúng. Người chỉ rõ: Thứ nhất là: Chúng ta mới có truyền thống anh dũng chống giặc ngoại xâm. Phải tạo nhận thức chung và quyết tâm chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Coi chống tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm“, cũng quan trọng, cần kíp như trên mặt trận đánh giặc ngoại xâm. Đây là mặt trận chính trị tư tưởng. Tức là rất gay go, quyết liệt. Muốn thắng lợi phải có chuẩn bị, kế hoạch tổ chức. Phải có lãnh đạo, phải có trung kiên. Đây là cuộc cách mạng trong nội bộ. Một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ với cái mới. Giữa cần, kiệm. liêm, chính, chí công vô tư với tham ô, lãng phí, quan liêu. Phải kết hợp giữa xây và chống. Phải biết dựa vào nhân dân. Báo chí là một lực lượng mạnh mẽ chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Cần đăng lời phê bình, tố cáo của quần chúng nhân dân đối với các biểu hiện tham ô, lãng phí, quan liêu. Các ban thanh tra phải chú ý kiểm tra chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Kịp thời xét xử các vụ khiếu nại, tố cáo. Phải công khai, dân chủ và minh bạch. Cán bộ càng cao càng phải gương mẫu. Thưởng phạt nghiêm minh. Nghiêm túc phê bình tự phê bình, chống thói “Cả vú lấp miệng em”. Thứ hai là: Cần theo đúng đường lối nhân dân chống quan liêu với phương châm: Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân. Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ. Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, hoan nghênh nhân dân phê bình mình. Sẵn sàng học hỏi nhân dân. Cán bộ, đảng viên làm gương cần, kiệm, liêm, chính để nhân dân noi theo. Người chỉ rõ: Trong mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương đều nên tiến hành 3 bước. Bước đầu: Đánh thông tư tưởng. Cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức hội nghị giải thích cho mọi người hiểu: Tham ô, lãng phí, quan liêu là có hại cho dân, cho nước nên phải chống những nạn ấy. Cần khắc phục những ý nghĩ sai lầm: Tham ô là có tội, còn lãng phí chỉ là khuyết điểm; những người có công với cách mạng thì tham ô, lãng phí chút đỉnh, cũng nên tha thứ cho họ; nước ta nghèo không có gì mà tiết kiệm; không phải cơ quan kinh tế tài chính, thì không có gì tham ô, lãng phí. Tránh khuynh hướng xuê xoa, bỏ qua. Một sự nhịn, chín sự lành. Kiểm thảo lẫn nhau làm gì? Tự phê bình thì sợ mất uy tín, thể diện. Phê bình người khác sẽ mất đoàn kết – “Đấu tranh, tránh đâu”. Bước hai: Chia thành tổ, nhóm để nghiên cứu tài liệu, thực hiện phê bình, tự phê bình. Mỗi chúng ta cần nghiên cứu những tài liệu chủ nghĩa Mác-Lênin, đường lối của Đảng, chính sách, luật pháp của Nhà nước về chống tham ô, lãng phí, quan liêu; về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Mở rộng phê bình, tự phê bình từ trong cơ quan ra ngoài cơ quan; từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên. Viết báo cáo, kiểm điểm cần trung thực. Không nên “ít thít ra nhiều”. Nói việc nhỏ, bỏ việc lớn. Nói việc cũ quên việc mới. Nêu cả ưu điểm, nhược điểm. Bước ba: Đơn vị, cơ quan triển khai thực hiện. Khen ngợi những người tự phê bình nghiêm túc. Đặt chương trình, kế hoạch hành động cho đơn vị. Bầu ban chỉ đạo cuộc vận động thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu… Hiện nay, Đảng ta chủ trương động viên toàn Đảng, toàn thể cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân tham gia Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần đưa nội dung thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu vào trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị, của ngành và từng cán bộ, đảng viên. Lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ, giám sát cán bộ, đảng viên thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, nhân dân thực hành nói đi đôi với làm. Lãnh đạo phải gương mẫu. Mỗi đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể phải đặt ra những chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Coi đây là các tiêu chí, căn cứ để bình bầu thi đua nhằm góp phần xây dựng bộ máy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành trong sạch vững mạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội một cách bền vững. 1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr 488. 2 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, s,đ,d, tr 489. 3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, s,đ,d, 490. |