Bài toán chục triệu đô để xanh hóa cảng biển

Cảng xanh là xu hướng phát triển của các cảng trên thế giới, tuy nhiên đi kèm với đó là nguồn kinh phí rất lớn, ước tính cả chục triệu USD.

Rào cản tài chính

Năm 2018, Tân Cảng Cát Lái tại TP.HCM trở thành cảng đầu tiên của Việt Nam được APEC công nhận là cảng xanh vì đạt các tiêu chí của Chương trình Hệ thống cảng xanh (GPAS).

Đây là hệ thống đánh giá các tiêu chí về cam kết bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch… cho các cảng trong khu vực APEC.

Cảng biển tại Hải Phòng cũng đang đầu tư trang thiết bị, phát triển cảng thông minh và hướng tới mô hình cảng xanh

Năm 2021, cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) cũng đón giải thưởng Cảng xanh 2020 do Hội đồng mạng lưới dịch vụ Cảng APEC (APSN) trao tặng.

Tìm hiểu của PV, các cảng này đã đầu tư cải tạo trang thiết bị, chuyển từ chạy dầu sang sử dụng điện hoặc các nhiên liệu sạch như LNG cho cần cẩu, xe chạy trong cảng; xây dựng được những giải pháp giảm bụi trong không khí, giảm tiếng ồn như sử dụng sà lan để vận chuyển hàng thay vì xe container.

Cùng đó, cây xanh cũng được trồng dọc tuyến bến tàu và đường giao thông nội bộ để cải thiện môi trường không khí, xây dựng hệ thống thu gom xử lý nước thải, đặc biệt tại các cơ sở sửa chữa trang thiết bị và container…

“Hai cảng được công nhận là cảng xanh vì đã có những động thái và hành động, kế hoạch để theo kịp xu hướng xanh trên thế giới. Nhưng để chuyển đổi sang mô hình cảng xanh cũng không hề dễ”, ông Nguyễn Quốc Khánh – đại diện Tân Cảng Sài Gòn nói và cho biết thêm, khó nhất là phải đầu tư các trang thiết bị mới. Các thiết bị chạy bằng điện hoặc nhiên liệu sạch chỉ được sản xuất trong những năm trở lại đây nên muốn có phải mua mới hoàn toàn.

So với các thiết bị chạy bằng dầu, thiết bị chạy bằng điện hay nhiên liệu sạch lên tới cả chục triệu USD. Chưa kể, thiết bị chạy bằng điện cần phải có trạm sạc điện. Do đó, để xây dựng mô hình này cần nguồn vốn đầu tư rất cao.

Cho rằng tài chính là vấn đề lớn nhất trong xây dựng mô hình cảng xanh, ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, với các cảng biển đã đầu tư xây dựng, khai thác từ nhiều năm trước đây, có dây chuyền bốc xếp lạc hậu. Muốn phát triển cảng xanh cần phải thay thế dây chuyền bốc xếp hiện đại hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường…

Chưa kể, phát triển cảng xanh cũng cần đồng hành phát triển cảng thông minh, đô thị xanh, thông minh; ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến (Big data; AI, blockchain…) vào vận hành và quản lý cảng…

“Cùng đó là việc xanh hóa các phương thức kết nối với cảng để nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường. Đây là việc đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn”, ông Vũ khẳng định.

Cũng theo ông Vũ, hiện Nhà nước chưa có các cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi sang năng lượng xanh, còn các doanh nghiệp chưa ước tính được tổng kinh phí cho việc này.

Ông Ngô Trung Hiếu, Phó giám đốc Công ty CP Cảng Hải Phòng thừa nhận, khi chuyển đổi mô hình sang cảng thông minh, việc đầu tư các trang thiết bị điện tử khá tốn kém.

“Vốn đầu tư vô cùng quan trọng nên không dễ để các doanh nghiệp có thể đầu tư các trang thiết bị hiện đại”, ông Hiếu bày tỏ.

Cần lộ trình phù hợp

Việc phát triển cảng xanh cần một lộ trình. Ảnh: TL

Tìm hiểu của PV, trên thực tế, Tân Cảng Sài Gòn hay cảng Hải Phòng đều mất 10 năm trong lộ trình hướng tới cảng xanh.

Ông Vũ cho hay, nhận thức về cảng xanh ở cảng biển Hải Phòng hiện nay đã được nâng cao. Một số bến cảng đã từng bước điều chỉnh để cải thiện việc sử dụng tài nguyên, quản lý chất lượng môi trường, sử dụng năng lượng, ứng dụng CNTT như: Sử dụng cẩu bờ, cẩu bãi hoạt động hoàn toàn bằng điện; tăng cường vận tải thủy với sức chở lớn thay thế số lượng lớn xe ô tô chuyên chở; ứng dụng CNTT, áp dụng chứng từ điện tử để giảm thời gian xe dừng, chờ tại cổng cảng, trồng nhiều cây xanh trong cảng để cải thiện môi trường…

Theo ông Vũ, khu vực Hải Phòng hiện nay có bến cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng thuộc khu bến cảng Lạch Huyện (TC-HICT) được đầu tư mới, hiện đại.

Thời gian tới sẽ có thêm các bến cảng số 3, 4, 5, 6 nối tiếp. “TC-HICT sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị hiện đại, phấn đấu đạt danh hiệu cảng xanh để trở thành cảng kiểu mẫu tại Hải Phòng”, ông Vũ cho biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Khánh, đại diện truyền thông Tân Cảng Sài Gòn cho biết, cảng tự động đang là xu hướng phát triển của các cảng trên thế giới.

Các cảng sau này ra đời đều phải ký cam kết với quốc tế về việc xây dựng mô hình theo hướng cảng xanh.

“Có thể chưa triển khai được ngay nhưng quan trọng là chúng ta cần có hành động và lộ trình phù hợp”, ông Khánh nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Trần Thị Tú Anh, Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ & Môi trường, Cục Hàng hải VN thông tin, Cục đang xây dựng tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh, dự kiến trình phê duyệt vào cuối năm 2022. Việc ban hành tiêu chuẩn được kỳ vọng sẽ tạo ra tư duy mới trong hoạt động vận hành, khai thác cảng biển.

Các tiêu chí sẽ bám vào tiêu chuẩn cảng xanh của khối APEC và có thêm một số điểm phù hợp với Việt Nam như: Sử dụng năng lượng là các nhiên liệu sạch như LNG, Hydro… sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Trên cơ sở đó, Cục Hàng hải VN sẽ đưa ra thang điểm cho các cảng tự đánh giá, chấm điểm, tham chiếu để xác định trở thành cảng xanh.

Đại diện Cục Hàng hải VN thừa nhận, để thực hiện theo những tiêu chí này tốn nhiều công sức và chi phí. Tuy nhiên, lĩnh vực hàng hải có lợi thế là tham gia nhiều Công ước quốc tế nên thực tế các tiêu chuẩn hầu như đã theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hiện nay, cơ quan quản lý chỉ khuyến khích các đơn vị chuyển đổi phương tiện tại các cảng đầu tư mới, khuyến khích các phương tiện sử dụng năng lượng xanh./.

Nguồn: baogiaothong.vn