Đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp thường kỳ lần thứ 29 Đại hội đồng IMO

     Khóa họp thường kỳ lần thứ 29 Đại hội đồng Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) diễn ra từ ngày 23/11/2015 đến 02/12/2015 tại trụ sở IMO, London, Vương quốc Anh với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu đến từ 171 quốc gia thành viên chính thức và 03 thành viên liên kết, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ quốc tế có liên quan.

     Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ GTVT dẫn đầu đã tham dự khóa họp. Tham gia Đoàn công tác có đại diện các vụ có liên quan của Bộ Giao thông vân tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng,Trường ĐH Hàng hải Việt Nam, Trường GTVT Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Miền Bắc và Miền Nam, Tổng công ty tư vấn Portcoast.

     Phát biểu tại Lễ khai mạc, Tổng thư ký IMO – Koji Sekimizu đã điểm lại những kết quả của IMO trong nhiệm kỳ từ năm 2013 đến hết 2015 bao gồm: thông qua Công ước về hoạt động hàng hải tại vùng cực, thông qua các bộ luật bắt buộc đối với các tàu sử dụng nhiên liệu là khí hoặc nhiên liệu các điểm bắt cháy thấp (Bộ luật IGF). Hướng về phía Công ước của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Paris, Ngài Tổng thư ký tái khẳng định sự tin tưởng rằng IMO là nơi duy nhất cho thảo luận chi tiết và thông qua các biện pháp về khai thác, kỹ thuật đối với vận tải biển quốc tế.



Toàn cảnh Khóa họp thứ 29 Đại hội đồng IMO

    
     Khóa họp thứ 29 Đại hội đồng IMO cũng đã tiến hành việc xem xét, đánh giá toàn bộ hoạt động của IMO trong giai đoạn 2013 – 2015, đề ra nhiệm vụ, kế hoạch của tổ chức này trong hai năm tiếp theo.



Đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp


     Chiều 24/11, đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu tham luận tại Đại hội đồng. Trong bài phát biểu, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã nêu các công việc Việt Nam đã làm được trong 2 năm qua trong lĩnh vực hàng hải, trong đó đáng lưu ý là việc gia nhập và triển khai các công ước về hàng hải như các phụ lục 3, 4, 5, 6 của Công ước MARPOL; Công ước Lao động hàng hải (MLC); Công ước về An toàn Container 1972, Công ước về Sơn chống hà độc hại AFS 2001. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét việc gia nhập/ phê chuẩn các công ước của IMO như: Công ước về quản lý nước dằn tàu tàu BWM 2014, Công ước Hồng Kông về tái chế tàu an toàn và thân thiện môi trường 2009.



Ông Bùi Văn Minh – Giám đốc Cảng vụ hàng hải Hải Phòng tham dự Khóa họp


     Trong 2 năm qua dưới sự hỗ trợ của IMO, Việt Nam đã tổ chức hàng loạt các hội thảo, khóa đào tạo nhằm nâng cao việc thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các Công ước của IMO mà Việt Nam là thành viên. Việt Nam cũng đang tham gia hai dự án của IMO-NORAD: hỗ trợ các quốc gia Đông Á phê chuẩn và thực hiện các văn kiện của IMO về bảo vệ môi trường; nghiên cứu thiết lập Khu vực đặc biệt nhạy cảm trên biển (PSSA) đầu tiên của Việt Nam. Các hoạt động hợp tác kỹ thuật nêu trên góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy quá trình phê chuẩn và thực hiện các công ước của IMO.

     Thứ trưởng cũng khẳng định là cùng với các quốc gia thành viên IMO khác, Việt Nam sẽ tiếp tục là một thành viên có trách nhiệm để thực hiện mục tiêu IMO đề ra đó là “Đại dương sạch, vận tài biển an toàn và đảm bảo an ninh”

     Đại hội đồng IMO đã xác nhận quyết định của Hội đồng IMO bầu ông Kitack Lim (Hàn Quốc) là Tổng thư ký IMO cho nhiệm kỳ tiếp theo bắt đầu từ ngày 01/01/2016 thay cho ông Koji Sekimizu sẽ hoàn thành nhiệm kỳ làm việc 4 năm vào ngày 31/12/2015.

     Hội đồng IMO được Đại hội đồng IMO bầu ra với nhiệm kỳ 2 năm. Các thành viên hết nhiệm kỳ sẽ được bầu lại tại từng kỳ họp Đại hội đồng. Hội đồng IMO có 40 thành viên bao gồm 10 thành viên nhóm A, 10 thành viên nhóm B và 20 thành viên nhóm C. Hội đồng là cơ quan chấp hành của Tổ chức Hàng hải quốc tế và chịu trách nhiệm giải quyết toàn bộ các công việc của Tổ chức bao gồm cả việc xem xét các báo cáo, các khuyến nghị của các ủy ban, xét duyệt chương trình ngân sách, chuẩn bị các báo cáo lên Đại hội đồng.

     Chiều ngày 27/11/2015, Đại hội đồng IMO lần thứ 29 đã bỏ phiếu bầu ra 40 thành viên Hội đồng cho nhiệm kỳ 2015 – 2017. Kết quả cụ thể như sau:

     Nhóm A gồm 10 quốc gia: Trung Quốc, Hy Lạp, Ý, Nhật Bản, Nauy, Panama, Hàn Quốc, Liên bang Nga, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ.

     Nhóm B gồm 10 quốc gia: Argentina, Bangladesh, Brazil, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển.

     Nhóm C gồm 20 quốc gia: Úc, Bahamas, Bỉ, Chile, Cộng hòa Síp, Đan Mạch, Ai Cập, Indonesia, Kenya, Liberia, Malaysia, Malta, Mexico, Ma Rốc, Peru, Philippines,  Singapore, Nam Phi, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ.

     Bên lề chương trình làm việc của Khóa họp, đoàn Việt Nam còn có các cuộc tiếp xúc với Tổ chức Thủy đạc Anh (UKHO), Cục Hàng hải Anh quốc (MCA), Hiệp hội bảo hiểm Western of England.