Hội nghị bàn về các giải pháp xử lý tàu biển neo đậu dài ngày tại các vùng nước cảng biển không còn khả năng khai thác

     Do ảnh hưởng của tình trạng suy thoái kinh tế thế giới dẫn đến những khó khăn trong việc khai thác của các chủ tàu Việt Nam, cụ thể là tàu không có hàng để chở, lãi suất ngân hàng cao, chi phí nhiên liệu tăng, nhiều chủ tàu rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, dẫn đến tình trạng tàu biển neo đậu tại các vùng nước cảng biển do các Cảng vụ hàng hải quản lý có chiều hướng gia tăng, nhiều chủ tàu không khai thác được nên cho tàu neo đậu chờ kế hoạch trong thời gian dài, công tác bảo dưỡng không được chủ tàu, người quản lý khai thác tàu quan tâm thích đáng, việc bố trí thuyền viên làm việc, trực ca, cảnh giới, ứng phó sự cố khẩn cấp không đảm bảo theo quy định, thuyền viên không nhận được sự đãi ngộ thích hợp, nhiên vật liệu cung cấp cho tàu để duy trì hoạt động tối thiểu của tàu như trưng đèn tín hiệu vào ban đêm, duy trì máy đèn, trực neo ứng phó các sự cố không được đảm bảo,… điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường tại các cảng biển, đặc biệt trong mùa mưa bão.

     Để tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu, người quản lý, khai thác tàu, đồng thời nhằm đưa ra giải pháp xử lý đối với tàu biển neo đậu dài ngày không còn khả năng khai thác, ngày 05/4/2013, tại Cảng vụ hàng hải Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức Hội nghị bàn về các giải pháp xử lý tàu biển neo đậu dài ngày không còn khả năng khai thác tại các cảng biển khu vực phía Bắc từ Quảng Ninh đến Đà Nẵng.

     Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên thực trạng về số tàu biển đang neo đậu dài ngày không còn khả năng khai thác gồm có 03 nhóm là: Tàu biển mang quốc tịch Việt Nam; tàu biển treo cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu của các tổ chức Việt Nam; tàu biển mang quốc tịch nước ngoài; các đại biểu cũng đã báo cáo tình hình thực tế về những tàu thuộc đơn vị đang có vướng mắc, khó khăn cần được tháo gỡ, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị về giải pháp xử lý đối với những tàu biển này.





     Chủ trì Hội nghị ông Đỗ Đức Tiến – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đã tổng hợp các ý kiến phát biểu của các đại biểu tham dự, đồng thời để giải quyết dứt điểm tình trạng tàu neo chờ lâu ngày trong điều kiện không bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam kiến nghị với Bộ Giao thông vận tải một số giải pháp cụ thể như sau:

     – Kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép tàu biển mang cờ quốc tịch nước ngoài thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam được phá dỡ tại Việt Nam theo quy định như đối với tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam;

     – Kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 42 của Luật Bảo vệ môi trường, bảo đảm phù hợp với thực tế hoạt động phá dỡ tàu cũ tại Việt Nam;

     – Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất gia nhập Công ước quốc tế Hồng Kông về tái chế tàu biển an toàn và thân thiện với môi trường 1992, nhằm duy trì hoạt động phá dỡ tàu cũ bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường.

     – Bổ sung quy định của pháp luật về tàu neo chờ “lay-up” tại thông tư hướng dẫn Nghị định số 21/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động hàng hải tại cảng biển và luồng hàng hải.

     – Kiến nghị Bộ Tài chính bổ sung quy định về phí, lệ phí hàng hải đối với tàu neo chờ “lay-up” tại Thông tư thay thế Quyết định số 98/2008/QĐ-BTC của Bộ Tài chính về phí, lệ phí hàng hải và biểu mức thu phí, lệ phí hàng hải.