PHƯƠNG ÁN PHỐI HỢP ĐẢM BẢO AN TOÀN HÀNG HẢI TRONG QUÁ TRÌNH THI CÔNG NẠO VÉT DUY TU LUỒNG HẢI PHÒNG

 

PHƯƠNG ÁN PHỐI HỢP ĐẢM BẢO AN TOÀN HÀNG HẢI

Trong quá trình thi công nạo vét duy tu luồng Hải Phòng

 và gia cố đê kênh Hà Nam

 

Trong thời gian cuối tháng 12 năm 2009 và quý I năm 2010, trên luồng Cảng Hải Phòng đang triển khai kế hoạch nạo vét duy tu của Cục Hàng hải Việt Nam, đồng thời thi công kè bờ kênh Hà Nam.

Để đảm bảo an toàn hàng hải trong quá trình thi công và khai thác luồng hàng hải, Cảng vụ hàng hải Hải Phòng lập Phương án phối hợp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn hàng hải với nội dung sau:

I. Phạm vi, khu vực thi công

1.1. Đoạn luồng sông Cấm

          – Vũng quay tàu Cảng Hải Phòng.

          – Vũng quay tàu thượng lưu cảng Đoạn Xá.

          – Hố trung chuyển bùn đất lên bãi Nhà Vàng (Cty BĐATHH I), vị trí đối diện cảng Cấm phía bờ Thuỷ Nguyên.

1.2. Đoạn luồng Bạch Đằng

Từ hạ lưu vũng quay tàu Cảng Đình Vũ đến cửa kênh Hà Nam.

1.3. Đoạn Kênh Hà Nam

          – Đầu kênh phía Tây tiếp giáp đoạn Bạch Đằng (nằm bên phải luồng – vị trí cua ra, vào kênh).

          – Đầu kênh phía Đông tiếp giáp luồng Lạch Huyện (bên trái luồng – vị trí cua ra, vào kênh).

          – Thi công gia cố dọc theo hai bờ đê của kênh.

II. Đặc điểm phương tiện thi công nạo vét trên luồng Cảng Hải Phòng

2.1. Đối với tàu hút bụng tự hành (Trần Hưng Đạo, Long Châu II, HB88, Thái Bình Dương, HB02).

Các tàu này được trang bị thiết bị hàng hải (VHF, Radar, các thiết bị liên lạc khác…) nên việc điều động tránh nhau tương đối thuận tiện, nhanh chóng, trường hợp cần thiết có thể ra khỏi luồng để nhường đường cho các tàu thuyền khác qua lại. Thuyền viên được đào tạo kiến thức cơ bản về hàng hải, thuận lợi cho việc liên lạc với các tàu thuyền trên luồng.

2.2. Đối với tàu hút xén thổi (Tàu HP2000, tàu HT2700, HS-31, H02)

          Các phương tiện này thi công từ giữa luồng trở vào đến sát mép bờ, có hệ thống đường ống nối từ bãi đổ bùn đất đến tàu, tính cơ động kém, chủ yếu di chuyển bằng các dây cáp kéo, nhả khi thi công, trong đó:

– Tàu HP2000 thi công đầu kênh Hà Nam

– Tàu HT2700, H02 thi công hố trung chuyển tại vị trí sát đảo Vũ Yên.

– Tàu HS31 thi công luồng sông Cấm phía đối diện cảng Cấm.

2.3. Đối với tàu cuốc TC91

Tàu cuốc TC91 thi công đoạn luồng Bạch Đằng, khu vực đoạn cua cong. Tàu cuốc TC91 không tự hành, di chuyển bằng hệ thống cáp trong khi thi công, cuốc bùn đất đổ lên sà lan vận chuyển đất. Đặc tính tàu di chuyển chậm, tính cơ động nhường đường không cao, không kịp thời, thời gian ra khỏi luồng khoảng 10-15 phút. Dây cáp neo tàu thi công luôn luôn nằm ngang qua luồng sát mặt đáy sông. Vì vậy, khi hành trình qua khu vực này tàu thuyền phải chú ý liên lạc với với thuyền trưởng TC91 và Cảng vụ hàng hải Hải Phòng để được hướng dẫn.

2.4. Đối với sà lan vận chuyển đất và ponton ngoạm đất (xáng cạp)

– Các phương tiện này không được trang bị các thiết bị hàng hải (VHF và các thiết bị khác…), khó nhận biết cho các tàu thuyền trên luồng để điều động tránh va khi hoạt động vào ban đêm và thời tiết xấu.

– Thuyền viên trên các phương tiện này hầu hết không được đào tạo cơ bản về hàng hải.

– Tính cơ động kém, thường chở quá tải nên các chủ phương tiện phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn hàng hải và các hướng dẫn của Cảng vụ hàng hải Hải Phòng trong quá trình thi công.

III. Công tác phối hợp đảm bảo an toàn

          3.1. Đối với đơn vị thi công

– Đối với hoạt động nạo vét: Để thuận tiện cho việc tránh va, khi hành trình trên luồng người điều khiển các phương tiện, tàu thi công nạo vét có thể liên lạc qua các kênh thông tin: VHF loại để bàn trên kênh 16 (có danh sách theo Phụ Lục – hướng dẫn).

– Đối với thi công kè Hà Nam: Các sà lan vận chuyển vật liệu ra vào kênh được liên lạc với trạm điều tiết của Công ty BĐATHH I qua số của Ông Ngô Duy Triệu chỉ huy trạm điều tiết (ÐT: 0313.687.632 – DÐ: 0912.676.18) và 2 Ca nô điều tiết dẹp luồng là HPC077 – ông. Trần Thanh Hải – thuyền trưởng (DÐ: 0912.247.917), Ca nô HPC078 – ông. Vũ Văn Hiệu – thuyền trưởng (DÐ: 0982.742.432).

– Cảng vụ hàng hải Hải Phòng:

+ Bằng hệ thống thông tin liên lạc VHF trên kênh 16, 14.

+ Trực ban Cảng vụ hàng hải Hải Phòng (phòng Pháp chế): 0313.842682

+ Trực ban Đại diện Cát Hải: 0312.209496.

+ Trực phòng Quản lý cảng 0312.687399, Mr Hiệp 0983813112, Mr Cường 0933159888.

– Công ty Hoa tiêu khu vực II:

+ Bằng hệ thống thông tin liên lạc VHF trên kênh 16, 12.

+ Trực ban Hoa tiêu: 0313.859133.

– Vào hồi 10h00 và 17h00 hàng ngày, Ban chỉ huy công trường, Ban chỉ huy trạm điều tiết kênh Hà Nam, thuyền trưởng các tàu thi công chủ động liên lạc với trực ban Cảng vụ hàng hải Hải Phòng (qua VHF kênh 16, điện thoại, hoặc website: cangvuhaiphong.com.vn) nhận kế hoạch điều động tàu, hành trình trên luồng để lên kế hoạch thi công không ảnh hưởng đến luồng hàng hải.

– Các phương tiện thi công phải treo tín hiệu theo quy định cả ban ngày, ban đêm.

– Không chở quá mớn nước quy định.

– Khi quan sát thấy tàu lớn phải chủ động liên lạc để trao đổi phương án tránh va.

– Các tàu, phương tiện thi công không được gây cản trở đến tàu hành trình, quay trở trong vùng nước hàng hải. Chủ động nhường đường để tránh va các tàu thuyền qua khu vực thi công. Tuân thủ điều tiết của trực ban Đại diện Cát Hải (đối với các tàu thuyền hoạt động từ đoạn Bạch Đằng trở ra Lạch Huyện) và trực ban Cảng vụ HH Hải Phòng (đối với phương tiện thi công vũng quay tàu luồng sông Cấm).

– Những sà lan vận chuyển đất hạn chế hoạt động vào ban đêm.

– Trong thời gian có mật độ tàu thuyền qua lại lớn, các phương tiện thi công ngừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho các tàu biển ra vào cảng biển Hải Phòng tại thời điểm trước và sau giờ thủy triều lớn nhất tại Hòn Dáu 3 tiếng.

– Tuân thủ theo Phương án đảm bảo an toàn hàng hải đã thống nhất tại cuộc họp ngày 14 và 18/12/2009.

3.2. Công ty Hoa tiêu

– Các hoa tiêu dẫn tàu khi hành trình qua khu vực thi công lưu ý tư vấn cho thuyền trưởng giảm tốc độ, tăng cường thông tin liên lạc với các đoàn trưởng, thuyền trưởng tàu thi công để tránh va.

– Kịp thời thông báo về trực ban Cảng vụ hàng hải Hải Phòng khi phát hiện những hiện tượng không đảm bảo an toàn hàng hải để xử lý.

3.3. Đối với Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải I

– Bố trí báo hiệu khu vực thi công, kịp thời Thông báo hàng hải các tàu thuyền tham gia thi công.

– Thường xuyên kiểm tra chức năng của chủ đầu tư, phát hiện những vi phạm trong lĩnh vực hàng hải gây mất an toàn, kịp thời thông báo Cảng vụ hàng hải Hải Phòng để giải quyết xử lý.

– Khi có sự cố gây ách tắc luồng, nhanh chóng xác định vị trí tàu thuyền bị nạn, thông báo hàng hải theo quy định.

– Tổ chức giám sát vị trí đổ đất đúng nơi quy định.

– Phối hợp với Cảng vụ hàng hải Hải Phòng kiểm tra các phương tiện hoạt động thi công nạo vét.

3.4.  Đối với Cảng vụ hàng hải Hải Phòng

– Trực 24/24 hàng ngày sẵn sàng thông báo kế hoạch tàu thuyền ra vào Cảng Hải Phòng đến ban chỉ huy công trường và thuyền trưởng tham gia hoạt động thi công.

– Trực ban Đại diện Cát Hải điều tiết các tàu thuyền hoạt động từ đoạn Bạch Đằng đến Lạch Huyện.

– Trực ban Cảng vụ hàng hải Hải Phòng theo dõi điều tiết khu vực thi công vũng quay luồng sông Cấm.

– Trực ban Cảng vụ hàng hải Hải Phòng chủ động chắp nối thông tin giữa Hoa tiêu hàng hải và Đơn vị thi công trong trường hợp cần thiết (Đặc biệt vào thời điểm thời tiết xấu: sương mù, mưa, thời gian ban đêm).

– Khi có sự cố bất thường xảy ra, trực ban kịp thời báo cáo cho ban Giám đốc, lãnh đạo trực giải quyết; trường hợp cần giải quyết vướng mắc thông thường hiện trường, trực ban thông tin cho cán bộ phòng Quản lý cảng để phối hợp xử lý.

– Hàng tuần, phòng Quản lý cảng chủ trì phối hợp với các phòng, đơn vị kiểm tra hoạt động nạo vét nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn hàng hải, phát hiện vi phạm, kịp thời xử lý theo quy định, hoặc đình chỉ thi công khi cố tình gây cản trở giao thông hoặc gây mất an toàn hàng hải.

– Kết thúc thi công, tổ chức rút kinh nghiệm; hoặc trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần họp các bên liên quan để khắc phục kịp thời.


SƠ ĐỒ HƯỚNG DẪN ĐẢM BẢO AN TOÀN HÀNG HẢI TRONG QUÁ TRÌNH THI CÔNG