Thông tư số 27/2011/TT-BGTVT ngày 14 tháng 04 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Áp dụng sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI     CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

                                                Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

     Số: 27 /2011/TT-BGTVT


  Hà Nội, ngày  14  tháng  04   năm 2011

 

 

THÔNG TƯ

Áp dụng sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh

mạng con người trên biển năm 1974 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về

an ninh tàu biển và cảng biển

 

 


          Căn cứ Bộ luật hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

          Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông Vận tải;

          Căn cứ Quyết định số 191/2003/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt sửa đổi, bổ sung năm 2002 một số chương của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974;

          Căn cứ Sửa đổi năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển;

          Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định việc áp dụng Sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển và thủ tục cấp các giấy chứng nhận theo quy định của Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển như sau:

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

          Thông tư này quy định việc áp dụng Sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển năm 1974 (sau đây gọi tắt là Công ước SOLAS 74) ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (sau đây gọi tắt là Bộ luật ISPS), thủ tục cấp các giấy chứng nhận theo quy định của Bộ luật ISPS.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc đánh giá, phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an ninh cho tàu biển sau đây hoạt động trên tuyến quốc tế:

          a) Tàu khách;

          b) Tàu hàng có tổng dung tích từ 500 GT trở lên;

          c) Giàn khoan di động ngoài khơi.

2. Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến việc đánh giá, phê duyệt và cấp giấy chứng nhận an ninh cho cảng biển hoặc bến cảng, cầu cảng (sau đây gọi chung là cảng biển) tiếp nhận tàu biển hoạt động trên tuyến quốc tế qui định tại khoản 1, Điều này.

 

Điều 3. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Bộ luật ISPS

          1. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam

          Cục Hàng hải Việt Nam – Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải thực hiện chức năng “Cơ quan có thẩm quyền”, có trách nhiệm và quyền hạn sau:

          a) Hướng dẫn các Doanh nghiệp cảng biển xây dựng Kế hoạch an ninh cảng biển; phê duyệt Kế hoạch an ninh cảng biển và các bổ sung, sửa đổi đối với Kế hoạch an ninh cảng biển;

          b) Cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển theo mẫu quy định tại Phụ lục I của Thông tư này và thực hiện việc kiểm tra xác nhận hàng năm;

          c) Hướng dẫn thực hiện “Bản cam kết an ninh” theo mẫu quy định tại Phụ lục II của Thông tư này;

          d) Là đầu mối liên lạc để thu nhận, xử lý, truyền phát thông tin an ninh hàng hải đối với tàu biển, công ty tàu biển, doanh nghiệp cảng biển và các cơ quan hữu quan;

          đ) Trao đổi thông tin với Tổ chức hàng hải quốc tế về việc thực hiện các quy định Sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74 và Bộ luật ISPS tại Việt Nam;

          e) Tổ chức thực hiện việc cấp “Lý lịch liên tục của tàu biển” theo mẫu qui định tại Phụ lục III của Thông tư này.

          2. Trách nhiệm của Cục Đăng kiểm Việt Nam

    Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng “Tổ chức an ninh được công nhận”, có trách nhiệm và quyền hạn sau:

          a) Tổ chức đào tạo và cấp giấy chứng nhận cho Sỹ quan an ninh tàu biển, Cán bộ an ninh công ty với những nội dung phù hợp với Chương trình chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế;

          b) Phê duyệt Đánh giá an ninh tàu biển;

          c) Phê duyệt Kế hoạch an ninh tàu biển;

          d) Kiểm tra Hệ thống an ninh và trang thiết bị an ninh của tàu biển theo yêu cầu của Bộ luật ISPS và cấp “Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển” và “Giấy chứng nhận quốc tế tạm thời về an ninh tàu biển”.

          3. Trách nhiệm của Cảng vụ Hàng hải

    Cảng vụ Hàng hải có trách nhiệm và quyền hạn sau:

          a) Hướng dẫn các doanh nghiệp cảng biển đánh giá an ninh cảng biển;

          b) Phê duyệt bản đánh giá an ninh cảng biển và cấp Giấy chứng nhận Thẩm định – Phê duyệt theo mẫu quy định tại Phụ lục IV của Thông tư này;

          c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác an ninh của các bến cảng;

          d) Thực hiện các nhiệm vụ khác khi được Cục Hàng hải Việt Nam ủy quyền.

          4. Trách nhiệm của cơ sở đào tạo

          a) Tổ chức đào tạo an ninh cảng biển phù hợp với chương trình chuẩn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế và cấp Giấy chứng nhận tham gia khóa đào tạo an ninh cảng biển theo mẫu quy định tại Phụ lục V của Thông tư này;

          b) Báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam danh sách người đã được cấp Giấy chứng nhận tham gia khóa đào tạo an ninh cảng biển.

          5. Trách nhiệm của Doanh nghiệp cảng biển

a) Chủ trì tổ chức thực hiện đánh giá an ninh cảng biển và xây dựng bản Đánh giá an ninh cảng biển theo mẫu tại Phụ lục VI với sự tư vấn của đại diện các cơ quan đơn vị gồm: Hải quan cảng, cán bộ Cảng vụ Hàng hải đã được huấn luyện về an ninh cảng biển (cán bộ này sẽ không được tham gia giai đoạn xem xét, phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển), Cảnh sát an ninh trật tự, Cảnh sát giao thông đường thủy (nếu có) và Biên phòng cửa khẩu.

          b) Xây dựng Kế hoạch an ninh cảng biển theo mẫu tại Phụ lục VII.

c) Thực hiện đánh giá nội bộ về an ninh cảng biển và tổ chức cuộc họp với đại diện của các cơ quan quản lý chuyên ngành tại cảng biển để xem xét, đánh giá về bản Đánh giá nội bộ an ninh cảng biển (theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII) để được xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển.

d) Tổ chức kiểm tra an ninh cảng biển theo từng nội dung cụ thể theo biểu mẫu “ Danh mục kiểm tra an ninh cảng biển” quy định tại Phụ lục IX để đánh giá lại và xây dựng lại kế hoạch an ninh cảng biển khi Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển hết hạn.

          đ) Đảm bảo có đủ cán bộ an ninh cảng biển và thành lập tổ chức an ninh cảng biển (đối với các doanh nghiệp cảng quy mô lớn, gồm nhiều phân cảng trực thuộc có thể thành lập Ban hoặc Phòng an ninh cảng biển – thành phần gồm đại diện Lãnh đạo cảng, đại diện lãnh đạo phòng khai thác, tổ chức nhân sự, kỹ thuật, cán bộ đã được huấn luyện về an ninh cảng biển và dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm cán bộ an ninh cảng biển; đối với các doanh nghiệp cảng có quy mô nhỏ gồm một hoặc hai bến cảng (cầu cảng) trực thuộc có thể thành lập bộ phận an ninh cảng biển do một thành viên Ban lãnh đạo cảng, các cán bộ phụ trách công tác bảo vệ cảng, công tác khai thác hoặc kỹ thuật cảng, cán bộ đã được huấn luyện về an ninh cảng biển và dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm cán bộ an ninh cảng biển).

          e) Thiết lập hệ thống an ninh cảng biển theo yêu cầu của Bộ luật ISPS.

          6. Trách nhiệm của Công ty tàu biển

          a) Tổ chức đánh giá an ninh tàu biển.

          b) Lập kế hoạch an ninh tàu biển.

          c) Bố trí để những sỹ quan dự kiến sẽ được chỉ định kiêm nhiệm chức danh Sỹ quan an ninh tàu biển và cán bộ dự kiến sẽ được chỉ định đảm nhận chức danh cán bộ an ninh công ty được tham gia các lớp đào tạo do Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức.

          d) Bảo đảm các tàu thực hiện đầy đủ và kịp thời các yêu cầu về: đánh giá an ninh tàu biển; xây dựng kế hoạch an ninh tàu biển để thẩm tra, phê duyệt và cấp “Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển” hay “Giấy chứng nhận quốc tế tạm thời về an ninh tàu biển”. Đồng thời, bảo đảm các tàu này được cấp “Lý lịch của tàu biển” và “Bản cam kết an ninh” để sử dụng khi cần thiết.

          đ) Trang bị các thiết bị quy định tại Sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74 và Bộ luật ISPS cho tàu biển và chỉ định một sỹ quan boong kiêm nhiệm chức danh sỹ quan an ninh tàu biển trên mỗi tàu thuộc quyền quản lý và một hoặc một số cán bộ đảm nhận chức danh cán bộ an ninh công ty.

         

Chương II

 THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHO HỆ THỐNG AN

NINH TÀU BIỂN, THỦ TỤC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH AN NINH

TÀU BIỂN VÀ THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN CHO SỸ

QUAN AN NINH TÀU VÀ CÁN BỘ AN NINH CÔNG TY

 

Điều 4. Thủ tục cấp giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển

1. Trình tự thực hiện

a) Công ty tàu biển nộp hồ sơ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và xem xét hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn cho Công ty tàu biển bổ sung hoàn chỉnh, nếu đầy đủ thì thông báo về thời gian và địa điểm đánh giá theo yêu cầu của Công ty tàu biển.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá hệ thống an ninh tàu biển tại tàu.

d) Sau khi hoàn thành đánh giá, nếu hệ thống an ninh tàu không đáp ứng yêu cầu của Bộ luật ISPS thì thông báo cho Công ty tàu biển để khắc phục; nếu đáp ứng thì Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục XI hoặc Phụ lục XII.

2. Cách thức thực hiện

a) Công ty tàu biển nộp hồ sơ qua hệ thống bưu chính; hoặc qua fax, thư điện tử, hoặc trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Công ty tàu biển nhận kết quả qua hệ thống bưu chính; hoặc trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Thành phần hồ sơ: Giấy đề nghị đánh giá hệ thống an ninh tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục X.

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết: Giấy chứng nhận quốc tế về an ninh tàu biển đươc cấp chậm nhất sau 01 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành đánh giá.

5. Yêu cầu điều kiện: hệ thống an ninh tàu biển phải thoả mãn yêu cầu của Bộ luật ISPS.

6. Phí và lệ phí: theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận.

 

Điều 5. Thủ tục phê duyệt kế hoạch an ninh tàu biển

1. Trình tự thực hiện

a) Công ty tàu biển nộp hồ sơ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận và xem xét hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn cho Công ty tàu biển bổ sung hoàn chỉnh.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành soát xét Kế hoạch an ninh tàu biển nếu Kế hoạch an ninh tàu biển không đáp ứng yêu cầu của Bộ luật ISPS thì  thông báo cho Công ty tàu biển bổ sung hoàn thiện; nếu đáp ứng thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt Kế hoạch an ninh tàu biển và cấp một Chứng thư phê duyệt theo mẫu quy định tại Phụ lục XIII.

2. Cách thức thực hiện

Công ty tàu biển nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính; hoặc trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ:

01 Giấy đề nghị phê duyệt Kế hoạch an ninh tàu biển theo mẫu quy định tại Phụ lục X và 02 bản chính Kế hoạch an ninh tàu biển.

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Phê duyệt Kế hoạch an ninh tàu biển và cấp Chứng thư phê duyệt chậm nhất sau 01 ngày làm việc kể từ khi hoàn thành việc soát xét Kế hoạch an ninh tàu biển.

5. Yêu cầu điều kiện: Kế hoạch an ninh tàu biển phải đáp ứng yêu cầu của Bộ luật ISPS.

6. Phí và lệ phí: theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận.

 

Điều 6. Thủ tục cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ sĩ quan an ninh tàu, cán bộ an ninh công ty

1. Trình tự thực hiện

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.

b) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ; nếu hồ sơ không đầy đủ thì hướng dẫn tổ chức, cá nhân hoàn thiện; nếu hồ sơ đầy đủ thì thông báo với tổ chức, cá nhân về thời gian và địa điểm đào tạo.

c) Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành tổ chức đào tạo và kiểm tra sau khóa đào tạo; nếu không đạt thì thông báo cho tổ chức, cá nhân; nếu đạt thì cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Sĩ quan an ninh tàu, Cán bộ an ninh công ty theo mẫu quy định tại Phụ lục XIV.

2. Cách thức thực hiện

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ và nhận kết quả qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ

a) Thành phần hồ sơ:

Văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân; sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, đơn vị và 01 ảnh màu cỡ 4 x 6 chụp trong thời gian 06 tháng trở lại (mặt sau ảnh ghi họ và tên, ngày tháng năm sinh).  

b) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn giải quyết

Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ Sĩ quan an ninh tàu, Cán bộ an ninh công ty  được cấp sau 01 ngày làm việc kể từ khi có kết quả đào tạo.

5. Yêu cầu điều kiện: Đạt kết quả khoá học theo yêu cầu của Bộ luật ISPS.

          6. Lệ phí: theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận.

 

Chương III

THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN

LIÊN QUAN ĐẾN AN NINH CẢNG BIỂN

 

Điều 7. Thủ tục thẩm định – phê duyệt đánh giá an ninh cảng biển

1. Trình tự thực hiện

a) Doanh nghiệp cảng biển nộp hồ sơ đề nghị cho Cảng vụ Hàng hải khu vực quản lý.

b) Cảng vụ Hàng hải tiếp nhận và xem xét hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn cho Doanh nghiệp cảng biển bổ sung hoàn chỉnh, nếu đầy đủ thì thông báo về thời gian đánh giá tại cảng biển.

c) Cảng vụ Hàng hải tiến hành đánh giá an ninh cảng biển tại cảng biển.

d) Sau khi hoàn thành đánh giá, nếu Đánh giá an ninh cảng biển đáp ứng yêu cầu của Bộ luật ISPS thì Giám đốc Cảng vụ Hàng hải cấp Giấy chứng nhận Thẩm định – Phê duyệt.

2. Cách thức thực hiện

a) Doanh nghiệp cảng biển nộp Hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại Cảng vụ Hàng hải.

b)  Doanh nghiệp cảng biển nhận kết quả: Qua hệ thống bưu chính; hoặc trực tiếp tại Cảng vụ Hàng hải.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Công văn đề nghị phê duyệt Đánh giá an ninh cảng biển do Giám đốc doanh nghiệp cảng ký (theo mẫu quy định tại Phụ lục XV);

b) 01 bản Đánh giá an ninh cảng biển có xác nhận của giám đốc Doanh nghiệp cảng biển ở trang cuối (đối với cảng liên doanh với nước ngoài hoặc người khai thác cảng là pháp nhân, thể nhân nước ngoài thì Đánh giá an ninh cảng biển phải được dịch sang tiếng Anh);

c) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

          4. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận Thẩm định – Phê duyệt: chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá tại cảng biển.

          5. Yêu cầu, điều kiện thực hiện: Đánh giá an ninh cảng biển đáp ứng quy định của Bộ luật ISPS.

6. Lệ phí: theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận.

 

Điều 8. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển

1. Trình tự thực hiện

a) Doanh nghiệp cảng biển nộp hồ sơ đề nghị cho Cục Hàng hải Việt Nam.

b) Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận và xem xét hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn cho Doanh nghiệp cảng biển bổ sung hoàn chỉnh, nếu đầy đủ thì thông báo về thời gian kiểm tra tại cảng biển.

c) Cục Hàng hải Việt Nam tiến hành kiểm tra kế hoạch an ninh cảng biển tại cảng biển.

d) Sau khi hoàn thành kiểm tra, nếu Kế hoạch an ninh cảng biển đáp ứng yêu cầu của Bộ luật ISPS thì Cục Hàng hải Việt Nam cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển.

2. Cách thức thực hiện

a) Doanh nghiệp cảng biển nộp Hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại Cục Hàng hải Việt Nam.

b) Doanh nghiệp cảng biển nhận kết quả: Qua hệ thống bưu chính; hoặc trực tiếp tại Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Công văn đề nghị phê duyệt Kế hoạch an ninh cảng biển do Giám đốc doanh nghiệp cảng ký (theo mẫu quy định tại Phụ lục XVI);

b) 01 bản Kế hoạch an ninh cảng biển có xác nhận của giám đốc doanh nghiệp cảng (đối với cảng liên doanh với nước ngoài hoặc người khai thác cảng là pháp nhân, thể nhân nước ngoài thì Kế hoạch an ninh cảng biển phải được dịch sang tiếng Anh);

c) 01 bản Đánh giá an ninh cảng biển có xác nhận của giám đốc Doanh nghiệp cảng ở trang cuối đã được Cảng vụ Hàng hải thẩm định, phê duyệt (đối với cảng liên doanh với nước ngoài hoặc người khai thác cảng là pháp nhân, thể nhân nước ngoài thì Đánh giá an ninh cảng biển phải được dịch sang tiếng Anh);

d) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển: chậm nhất 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra tại cảng biển.

          5. Yêu cầu, điều kiện thực hiện: Kế hoạch an ninh cảng biển đáp ứng quy định của Bộ luật ISPS.

6. Lệ phí: theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận.

 

Điều 9. Thủ tục xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển

1. Trình tự thực hiện

a) Doanh nghiệp cảng biển nộp hồ sơ đề nghị cho Cục Hàng hải Việt Nam.

b) Cục Hàng hải Việt Nam tiếp nhận và xem xét hồ sơ; nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn cho Doanh nghiệp cảng biển bổ sung hoàn chỉnh, nếu hồ sơ đầy đủ thì ghi giấy hẹn theo qui định tại khoản 4 Điều này.

c) Cục Hàng hải tiến hành kiểm tra hồ sơ nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu của Bộ luật ISPS thì Cục Hàng hải Việt Nam cấp xác nhận hàng năm.

2. Cách thức thực hiện

a) Doanh nghiệp cảng biển nộp Hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc trực tiếp tại Cục Hàng hải Việt Nam.

b)  Doanh nghiệp cảng biển nhận kết quả: Qua hệ thống bưu chính; hoặc trực tiếp tại Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Thành phần, số lượng hồ sơ:

a) Công văn đề nghị kiểm tra, xác nhận hàng năm Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển của doanh nghiệp cảng;

b) 01 bản Đánh giá nội bộ an ninh cảng biển;

c) Biên bản họp xem xét, đánh giá Đánh giá nội bộ của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tại khu vực cảng biển;

d) Biên bản cuộc tập huấn hoặc diễn tập hoặc huấn luyện theo chương trình của Kế hoạch an ninh cảng biển;

đ) Bản chính Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển;

e) Số lượng hồ sơ: 01 bộ.

4. Thời hạn cấp xác nhận: chậm nhất 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

          5. Yêu cầu, điều kiện thực hiện: Doanh nghiệp cảng biển và cảng biển đáp ứng quy định của Bộ luật ISPS.

          6. Lệ phí: theo quy định của Bộ Tài chính và nộp trực tiếp hoặc chuyển khoản cho cơ quan cấp Giấy chứng nhận.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 10. Hiệu lực thi hành

          1.  Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 05 năm 2011.

          2. Thông tư này bãi bỏ Quyết định số 170/2004/QĐ-BGTVT ngày 16/01/2004 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc áp dụng Sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74 và Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển.

 

Điều 11. Tổ chức thực hiện

          1. Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

          2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ liên quan thuộc Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư  này./.

 

Nơi nhận:                                                                

– Như Điều 11;

– Văn phòng Chính phủ;

– Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ,

– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;

– Cục kiểm soát TTHC thuộc VP Chính phủ ;

– Các Thứ trưởng Bộ GTVT;

– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

– Công báo; Website Chính phủ ;

– Website Bộ GTVT;              

– Lưu: VT, ATGT(20).

BỘ TRƯỞNG

 

 

 

 

 

 

 

 

Hồ Nghĩa Dũng

 

 

 


cangvuhp1131992011.doc