Thông tư số 58/2011/TT- BGTVT ngày 28/11/2011 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
_______________

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_____________________

Số: 58/2011/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2011

 

THÔNG TƯ

Quy định về vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam

___________________

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 173/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của hoa tiêu hàng hải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với:

1. Chủ tàu hoặc người khai thác tàu, người quản lý, thuyền trưởng của tàu thuyền hoạt động trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam;

2. Tổ chức hoa tiêu hàng hải và hoa tiêu hàng hải;

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc (gọi tắt là vùng hoa tiêu bắt buộc) là phần giới hạn trong vùng nước cảng biển hoặc khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi, được xác định từ vùng đón trả hoa tiêu vào cầu cảng, bến cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển, cảng dầu khí ngoài khơi mà tàu thuyền khi di chuyển phải sử dụng hoa tiêu dẫn tàu theo quy định của pháp luật.

2. Tuyến dẫn tàu là tuyến hành trình của tàu thuyền do hoa tiêu dẫn tàu từ vùng đón trả hoa tiêu theo luồng cảng biển, luồng nhánh cảng biển vào cầu cảng, bến cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão, nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển và ngược lại của một cảng biển hoặc cảng dầu khí ngoài khơi thuộc vùng hoa tiêu bắt buộc.

3. Vùng đón trả hoa tiêu là vùng nước trong vùng hoa tiêu bắt buộc được công bố để tàu thuyền đón, trả hoa tiêu.

4. Tàu thuyền bao gồm tàu biển, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, thủy phi cơ và các phương tiện thủy khác của Việt Nam và nước ngoài.

Điều 4. Nguyên tắc xây dựng, công bố, giao vùng hoa tiêu bắt buộc và tuyến dẫn tàu

1. Vùng hoa tiêu bắt buộc được xây dựng trên cơ sở phạm vi hoạt động, năng lực hoạt động của tổ chức hoa tiêu hàng hải, đặc thù vùng nước cảng biển trong đó có vùng đón trả hoa tiêu, mật độ tàu thuyền, điều kiện khí tượng thủy văn trong vùng hoa tiêu bắt buộc nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

2. Một vùng hoa tiêu bắt buộc bao gồm một hoặc nhiều tuyến dẫn tàu.

3. Việc công bố tuyến dẫn tàu, tổ chức giao vùng hoạt động hoa tiêu hoặc tuyến dẫn tàu cho tổ chức hoa tiêu hàng hải bảo đảm ổn định, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường, không xáo trộn các tuyến dẫn tàu hiện có đã giao cho các tổ chức hoa tiêu hàng hải.

Điều 5. Các vùng hoa tiêu bắt buộc

1. Vùng 1: Vùng hoa tiêu bắt buộc từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Nam Định:

Từ các vùng đón trả hoa tiêu vào cảng biển, bến cảng, cầu cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển thuộc địa phận các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định và thành phố Hải Phòng.

2. Vùng 2: Vùng hoa tiêu bắt buộc từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị:

Từ các vùng đón trả hoa tiêu vào cảng biển, bến cảng, cầu cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển thuộc địa phận các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị.

3. Vùng 3: Vùng hoa tiêu bắt buộc từ tỉnh Thừa Thiên Huế đến tỉnh Quảng Ngãi:

Từ các vùng đón trả hoa tiêu vào cảng biển, bến cảng, cầu cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển thuộc địa phận thành phố Đà Nẵng, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi.

4. Vùng 4: Vùng hoa tiêu bắt buộc từ tỉnh Bình Định đến tỉnh Phú Yên:

Từ các vùng đón trả hoa tiêu vào cảng biển, bến cảng, cầu cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển thuộc địa phận các tỉnh Bình Định và Phú Yên.

5. Vùng 5: Vùng hoa tiêu bắt buộc từ tỉnh Khánh Hòa đến tỉnh Ninh Thuận:

Từ các vùng đón trả hoa tiêu vào cảng biển, bến cảng, cầu cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển thuộc địa phận các tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

6. Vùng 6: Vùng hoa tiêu bắt buộc thuộc địa phận các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh dọc theo sông Tiền:

Từ các vùng đón trả hoa tiêu vào cảng biển, bến cảng, cầu cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển thuộc địa phận các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh dọc theo sông Tiền.

7. Vùng 7: Vùng hoa tiêu bắt buộc thuộc các tỉnh dọc theo sông Hậu, các tỉnh Kiên Giang và Cà Mau:

Từ các vùng đón trả hoa tiêu vào cảng biển, bến cảng, cầu cảng, khu neo đậu, khu chuyển tải, khu tránh bão và nhà máy đóng, sửa chữa tàu biển trong vùng nước cảng biển thuộc địa phận các tỉnh, thành phố dọc theo sông Hậu và các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.

8. Vùng 8: Vùng hoa tiêu bắt buộc tại các khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi trong vùng biển Việt Nam:

Từ các vùng đón trả hoa tiêu đến vị trí tàu chứa dầu khí tại các cảng dầu khí ngoài khơi, các công trình dầu khí tại các mỏ khai thác dầu khí trong vùng biển Việt Nam.

Điều 6. Hoạt động liên quan đến dịch vụ hoa tiêu hàng hải trong vùng hoa tiêu bắt buộc

1. Tàu thuyền khi hoạt động trong vùng hoa tiêu bắt buộc phải sử dụng hoa tiêu hàng hải dẫn tàu, trừ các trường hợp được miễn sử dụng hoa tiêu hàng hải theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức hoa tiêu hàng hải hoạt động trong một vùng hoa tiêu bắt buộc có nghĩa vụ cung cấp và đáp ứng đầy đủ nhu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải trong vùng hoa tiêu bắt buộc được giao hoặc trên tuyến dẫn tàu được giao trong vùng hoa tiêu bắt buộc, bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; đồng thời phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải.

3. Trong một vùng hoa tiêu bắt buộc có từ 02 (hai) tổ chức hoa tiêu hàng hải hoạt động trở lên, các tổ chức hoa tiêu hàng hải phải xây dựng quy chế phối hợp hoạt động cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải, lấy ý kiến Cảng vụ hàng hải tại khu vực và báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam để quản lý hoạt động của hoa tiêu hàng hải, bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu hàng hải và sự chấp hành nghiêm túc của hoa tiêu hàng hải về chức năng, nhiệm vụ được giao trong khi thực hiện nhiệm vụ. Căn cứ vào đặc điểm cụ thể của từng vùng hoa tiêu bắt buộc, quy chế phối hợp hoạt động dịch vụ hoa tiêu hàng hải bao gồm các nội dung cơ bản sau đây:

a) Các thông số về thông tin liên lạc của tổ chức hoa tiêu hàng hải phối hợp;

b) Kế hoạch dẫn tàu hàng ngày của tổ chức hoa tiêu hàng hải;

c) Việc phối hợp của các cá nhân hoa tiêu hàng hải trong quá trình dẫn tàu, đặc biệt khi tàu hành trình qua luồng hẹp, khu quay trở, nơi có mật độ tàu thuyền hoạt động cao;

d) Thông báo về tình hình dẫn tàu trong các trường hợp cần thiết như tai nạn, sự cố hoặc phát hiện chướng ngại vật nguy hiểm đến hoạt động hàng hải;

đ) Thỏa thuận hỗ trợ bố trí hoa tiêu hàng hải dẫn tàu nếu một tổ chức hoa tiêu hàng hải không đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ hoa tiêu trong một thời điểm nhất định; hoa tiêu được bố trí dẫn tàu phải có đủ điều kiện đáp ứng các quy định có liên quan của pháp luật;

e) Thỏa thuận về phân công bố trí hoa tiêu hàng hải dẫn tàu từ cầu cảng, bến cảng, khu chuyển tải, khu neo đậu đến cầu cảng, bến cảng, khu chuyển tải, khu neo đậu khác trong vùng hoa tiêu bắt buộc;

g) Thỏa thuận về hỗ trợ cơ sở vật chất, phương tiện;

h) Các thỏa thuận đặc thù khác (nếu có).

Trường hợp các tổ chức hoa tiêu hàng hải không thỏa thuận được về các nội dung quy định tại khoản này thì ý kiến của Cảng vụ hàng hải tại khu vực là ý kiến quyết định cuối cùng.

4. Hoa tiêu hàng hải có giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải tại 02 (hai) vùng hoa tiêu bắt buộc trở lên và đáp ứng các quy định có liên quan của pháp luật có thể dẫn tàu tại các vùng hoa tiêu bắt buộc này nếu được sự đồng ý của tổ chức hoa tiêu hàng hải quản lý hoa tiêu hàng hải và có sự thỏa thuận giữa tổ chức hoa tiêu hàng hải quản lý hoa tiêu và tổ chức hoa tiêu hàng hải được giao hoạt động tại vùng hoa tiêu bắt buộc đó.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 64/2005/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 11 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Tổng Giám đốc các Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, Giám đốc các Cảng vụ hàng hải, Giám đốc các tổ chức hoa tiêu hàng hải và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
– Như Điều 8;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các Thứ trưởng;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Cổng thông tin điện tử của Chính phủ;
– Trang thông tin điện tử của Bộ GTVT;
– Công báo;
– Lưu: VT, PC.

BỘ TRƯỞNG

(Đã ký)


Đinh La Thăng

 

 


cangvuhp174972012.doc